Bích Nhãn Thần Quân - Chương 21: Hồi kết
Vân Long chẳng phải là kẻ hiếu sát nhưng không thể đứng ngoài nhìn đồng đạo tử chiến. Chàng rú lên một tiếng như rồng ngâm, vận khẩu quyết trong Bách Cầm thân pháp, đề khí bay bổng lên, lượn trên đầu bọn địch, hai tay búng ra hàng chục đạo chỉ phong. Bọn kiếm sĩ đang sửng sờ vì khinh công tuyệt thế nên bị điểm ngã mà không ngờ. Chàng đáp xuống, song thủ điểm, vỗ nhanh như điện. Bàn tay chàng xuyên qua kiếm ảnh, bám vào các huyệt đạo. Có lúc phất ra những đạo kình phong nặng như núi đổ. Chàng đi đến đâu, bọn Kiếm Đảo đều sợ hãi dạt ra.
Quần hùng thấy minh chủ uy dũng như thiên tướng, phấn khởi xuất lực tấn công ráo riết.
Vân Long bổng nảy ra một ý hay, liền nhảy đến đống muối bột, thò tay bốc một nắm, vận công bóp nát rồi dùng Lăng Vân bộ pháp như hồ điệp xuyên hoa, xông vào hàng ngũ bọn Đông Doanh. Tay hữu chàng búng muối bột vào mắt chúng rồi vòng tay tả điểm huyệt. Phương pháp này quả là lợi hại. Hàng trăm kiếm sĩ bị điểm huyệt ngã mà không hiểu vì sao.
Nhờ vậy, cuộc chiến kết thúc rất nhanh.
Quân sĩ triều đình lập tức thu dọn chiến trường, trói chặt những tên còn sống sót nhờ bị điểm huyệt, đưa vào đại lao.
Vương Hồ dẫn quân vào lục soát nhưng không thấy gì lạ, lập tức quay ngựa dẫn bọn Vân Long đến dinh tuần phủ.
Phó tổng trấn vòng tay thi lễ:
– Tiểu tướng là Quách Nhân, xin bái kiến Hầu gia.
Chàng gật đầu rồi hỏi:
– Lão cẩu quan họ Khuất đâu?
Quách Nhân gượng cười bẩm:
– Tuần phủ chửi bới tiểu tướng mỏi miệng đã bỏ vào trong dinh.
Chàng và Vương Hồ xuống ngựa đi thẳng vào, tuần phủ Khuất Chi mặt mũi tái xanh đang ngồi trên bàn nước. Thấy họ Vương, lão tức giận hỏi:
– Ngươi muốn làm phản hay sao mà dám cho quân bao vây dinh tuần phủ?
Vân Long chẳng nói một lời, búng hai đạo chỉ phong điểm huyệt, lão nhũn người té xuống. Vương Hồ nắm cổ áo kéo ra sân. Chàng giải huyệt cho lão rồi rút ngọc bài ra hỏi:
– Ngươi biết đây là vật gì chứ?
Họ Khuất lật đật vén áo quỳ xuống tung hô:
– Thánh thượng vạn tuế! Chàng quay lại bảo Ngọc Yến mang mụ nhị phu nhân ra đặt xuống bên lão nghiêm giọng nói:
– Ngươi mấy chục năm làm mệnh quan của triều đình ắt phải biết tội tư thông với cường đạo được xử lý như thế nào?
Lão biết không còn đường chối cãi liền van xin cầu khẩn:
– Xin khâm sứ niệm tình can gia của ty chức là Khuất thượng thư mà tha cho tội chết.
Chàng lạnh lùng bảo:
– Sau vụ này, chỉ e bản thân Khuất Châu cũng bị liên quan, ngươi còn mong chờ gì nữa? Nếu thành khẩn khai báo, ta xem xét nội tình có thể khoan hồng sẽ không chém ngay.
Họ Khuất chỉ mặt nhị phu nhân hậm hực nói:
– Cũng vì con tiện nhân này nên ty chức mới đi đến cảnh ngộ hôm nay.
Chính mụ đã nhận lời chứa chấp bọn cường đạo, vận chuyển tài sản ra biển. Khi các vụ cướp xảy ra, mụ đem tang vật về giấu ở dinh, ty chức mới bật ngửa. Tay lỡ nhúng chàm, sợ tội nên không dám nói, chứ thực tâm ty chức không hề chấp nhận.
Nhị phu nhân thấy lão đổ hết tội trạng lên đầu mình liền căm giận mắng:
– Đồng ý rằng lúc đầu là do ta, nhưng cuối cùng, chính ngươi đã đòi chia ba bảy với bọn Đông Doanh, sao giờ chỉ bắt mình ta chịu chém?
Chàng gằn giọng hỏi:
– Ngoài lực lượng ở xưởng muối, bọn chúng còn ẩn nấp ở đâu nữa?
Nhị phu nhân sợ chết mau miệng đáp:
– Bẩm Hầu gia, còn khoảng hai trăm tên nữa nằm ở đảo Chu Sơn, cách bờ biển Chiết Giang bốn trăm dặm. Nơi đó còn có một lão già cụt tay, chính lão đã ép tiện nhân phải hợp tác.
– Còn Đông Hải Thiên Tôn Tần Hạo Thiên hiện đang ở đâu?
– Họ Tần cũng ở trên đảo ấy.
Không còn gì để hỏi nữa, chàng bảo Vương tổng trấn đưa bản cung cho cả hai ký vào rồi nói:
– Ta giữ lời không giết, các ngươi sẽ bị giam vào đại lao chờ bộ hình xét xử.
Hai tên quân bước lại lột mũ áo của Khuất Chi, trói lại dẫn về đại lao.
Kiểm tra tài sản trong dinh, phát hiện một rương vàng bạc châu báu trị giá ước chừng sáu mươi vạn lượng bạc. Số tài sản riêng của họ Khuất cũng gồm bảy mươi vạn. Tất cả đều được niêm phong, áp tải về kinh đô.
Chức tuần phủ Chiết Giang tạm thời do Vương Hồ kiêm nhiệm.
Tin Hổ Uy Hầu cùng quần hào Trung Nguyên quét sạch bọn cường đạo lan nhanh như gió. Cả thành Hàng Châu tưng bừng phấn khởi. Khi đoàn người của Vân Long vào thành, bá tánh đổ ra hai bên đường chào đón, chúc tụng. Vừa đến cửa Hàng Châu đệ nhất tửu lâu, một nhóm bô lão, thân hào nhân sĩ chặn lại. Lão già cao niên nhất, râu tóc bạc trắng, kính cẩn vòng tay nói:
– Cung bẩm Hầu gia và chư vị anh hùng, bá tánh thành Hàng Châu lâu nay ăn không ngon ngủ không yên. Giờ được chư vị ra tay trừ bạo, muôn lòng đều hoan hỉ. Các phú hào trong thành đồng tâm tổ chức một tiệc mừng để tỏ lòng biết ơn. Mong Hầu gia và chư vị hào kiệt đừng từ chối.
Chàng là người khoáng đạt, không muốn làm họ thất vọng liền chắp tay đáp:
– Bá tánh đã có lòng, bọn giang hồ chúng tôi xin nhận.
Lão nhân mừng rỡ, hướng dẫn quần hào lên thẳng trên lầu. Gần trăm bàn tiệc thịnh soạn đã bày biện xong. Kiếm Ma, Vân Long, Ngọc Yến ngồi chung với hai trưởng lão Cái Bang. Công Tôn Sửu vuốt râu cười khà khà bảo:
– Có một minh chủ như Long nhi, chúng ta cũng được thơm lây.
Giọng của lão khá lớn nên mọi người đồng thanh khen phải. Độc Cô Thiên cao hứng nói:
Thấy truyện hay thì bấm quảng cáo giúp truyencv18 duy trì
– Chưa bao giờ lịch sử võ lâm lại có được những trang oanh liệt như thế này. Bản thân tại hạ nếu không theo phò tá dưới trướng minh chủ thì cũng chỉ là một tên cường đạo, làm gì xứng đáng với danh xưng hảo hán.
Kiếm Ma gật đầu:
– Ngươi nói không sai. Cả đời ta học kiếm mà đến nay mới biết tinh thần của kiếm là trừ bạo, an dân.
Vân Long đứng dậy nâng chén mời:
– Lực lượng đối phương ở Trung Nguyên đã bị tận diệt. hôm nay chúng ta có quyền say một bữa. Nghỉ ngơi ít ngày sẽ tiến đánh đảo Chu Sơn.
Quần hùng nhất tề uống cạn. Bọn nhân sĩ tươi cười thúc giục họ cầm đũa. Hơn trăm vò Thiệu Hưng chẳng mấy chốc đã cạn sạch, chưởng quầy phải cho người đi lấy thêm.
Đến tận nửa đêm tiệc mới tàn, mọi người dắt díu nhau về khách điếm, lăn ra ngủ vùi. Chỉ có mấy cao thủ chủ chốt là còn tỉnh táo. Chàng bảo tiểu nhị châm trà rồi cùng Kiếm Ma và hai vị lão ca bàn bạc. Ngọc Yến cũng đã tắm gội, thay áo xong liền ra ngồi xuống cạnh chàng.
Thần Toán thư sinh La Thiện Hùng bỗng hỏi:
– Long đệ có chắc thắng được Tần Hạo Thiên hay không?
Chàng lắc đầu nói:
– Võ công của tiểu đệ còn kém sư phụ là Vô Cực Tẩu. Nếu họ Tần dám tái nhập Trung Nguyên, thì sợ rằng bản lĩnh của lão đã đến mức siêu phàm nhập thánh. Chỉ riêng phần công lực, tiểu đệ đã thua xa.
Lữ Quân lộ vẻ băn khoăn:
– Nếu biết cơ tất bại thì Long đệ còn ra Chu Sơn tìm họ Tần làm gì? Sao không tìm kế khác?
Chàng hiểu ý lão ca, cười mát đáp:
– Kẻ sĩ mang trọng trách trên vai còn kể gì đến chuyện tử sinh? Tiểu đệ kiêm thông tuyệt nghệ của nhiều nhà, lão muốn thắng cũng không phải d. Hơn nữa, tiểu đệ là minh chủ, đại biểu cho cả võ lâm Trung Nguyên, nếu quần công Thiên Tôn e không phải đạo.
Ngọc Yến nhắc nhở chàng:
– Tướng công cứ coi lão như con giao long ngày nào, nếu có phải hợp lực diệt trừ thì cũng chẳng sao.
Chàng nghiêm mặt nói:
– Nhưng nếu lão khiêu chiến với danh nghĩa so tài võ học thì chúng ta có thể muối mặt mà vây đánh được không?
Cả bàn thở dài thầm công nhận chàng nói đúng.
Kiếm Ma đưa mắt ra hiệu cho Ngọc Yến và hai trưởng lão rồi cười xòa:
– Các ngươi quá lo xa, chắc gì sở học họ Tần lại quá cao như ta suy đoán. Long nhi tinh thông chưởng, chỉ, đâu phải chỉ riêng kiếm thuật.
Từ ngày Vân Long bị giao long kéo đi mất tích, Ngọc Yến không có cảm tình với những cuộc hải hành nên chẳng hề muốn vượt biển đánh Chu Sơn. Nàng bèn đưa ra một ý kiến:
– Nếu nói như tướng công thì chúng ta bất tất phải đến Chu Sơn. Chỉ nên cử người gửi đến họ Tần một lá thư phó ước. Lão đang hận chàng đã giết mấy trăm môn nhân Kiếm Đảo, đương nhiên sẽ y hẹn để báo thù.
Nếu chàng hạ được Thiên Tôn thì bọn kiếm sĩ ở Chu Sơn không đánh mà tan.
Kiếm Ma vỗ đùi khen:
– Yến nhi nói rất phải, chúng ta dại gì mà không dùng kế dĩ dật đãi lao.
Vân Long cũng tán thành, liền viết ngay một phong thư. Sáng mai sẽ nhờ thuyền gia đem đến đảo Chu Sơn, hẹn Tần Hạo Thiên ngày mồng một tháng tới sẽ đơn thân quyết đấu trên bãi biển Chiết Giang.
Hôm sau, chàng thông báo cho quần hào biết nội dung cuộc phó ước.
Bảo họ cứ thưởng ngoạn phong cảnh Hàng Châu, không cần chuẩn bị đi Chu Sơn nữa. Chàng tặng cho mỗi người hai trăm lượng bạc để tiêu xài, du hí.
Trong những ngày này, Vân Long ở lì trong khách điếm, cùng Kiếm Ma nghiên cứu võ công. Lão xem chàng biểu di n chiêu Vô Sở Nhi Quy lòng vô cùng khâm phục, nhưng thầm lo ngại công lực của chàng kém hơn Đông Hải Thiên Tôn. Một hôm, thừa lúc chàng đang luyện kiếm trong vườn, Kiếm Ma bí mật gọi Ngọc Yến ra bàn bạc. Cuối cùng, nàng phục xuống khấn đầu lạy tạ, đôi mắt trong như hồ thu đẩm lệ.
Đêm đó, ân ái xong, chờ Vân Long ngủ say, nàng bất ngờ điểm nhanh vào thụy huyệt. Sửa sang lại tóc tai, y phục, nàng bước ra ngoài khẻ gọi, Kiếm Ma và nhị vị trưởng lão xuất hiện. Công Tôn Sửu đi thẳng vào trong phòng còn hai người kia gác cửa. Tàn một nén nhang, lão bước ra, thần thái mệt mỏi, gương mặt như già thêm một chút. Ngọc Yến sụp xuống dập đầu cảm tạ:
– Ơn đức này, tiểu nữ xin được suốt đời phụng dưỡng lão nhân gia.
Kiếm Ma mỉm cười, đỡ nàng dậy, rồi nói:
– Ta năm nay đã cửu thập, chẳng lẽ lại mang theo mấy chục năm công lực xuống tuyền đài hay sao? Long nhi là chỗ dựa của võ lâm, ta tặng cho hắn một nửa tu vi cũng là vì giang hồ vậy. Yến nhi bất tất phải bận tâm.
Nói xong, lão kéo hai trưởng lão về phòng riêng. Ngọc Yến trèo lên giường, giải huyệt cho trượng phu rồi sung sướng ôm lấy tấm thân cường tráng của chàng mà thiếp đi.
Sáng ra, Vân Long thấy cơ thể mình sung mãn lạ thường mà không hiểu vì sao và cũng chẳng ngờ nội lực mình đã tăng thêm bốn chục năm tu vi. Chỉ có bốn người biết được sự thật.
Thấm thoát đã đến ngày đầu tháng mười một, quần hào tụ tập trên một bãi vắng, nhìn ra biển đợi chờ.
Đầu giờ tỵ, một chiếc đại thuyền với ba cánh buồm màu trắng xuất hiện, chừng một tuần trà sau thả neo cách bờ hơn trăm trượng. Xuồng nhỏ được thả xuống, chở bốn người vào bờ.
Khi họ kéo thuyền lên bãi cát, tiến về phía quần hùng Trung Nguyên, Vân Long nhận ra Ưng Ma và ba người lạ mặt. Cạnh Ưng Ma là một lão nhân râu tóc đen nhánh, mặc trường bào xanh, mặt tròn, mắt dài nhỏ và lạnh lẽo. Qua phong thái đường bệ, uy nghi, chàng biết ngay đó là Đông Hải Thiên Tôn.
Ưng Ma chỉ chàng rồi nói nhỏ với họ Tần. Lão gật đầu cất tiếng hỏi:
– Phải chăng công tử là đồ đệ của Vô Cực Tẩu và cũng là minh chủ võ lâm?
Chàng vòng tay đáp:
– Chính phải! Còn các hạ có phải là Đông Hải Thiên Tôn đấy không?
Lão gật đầu, lại gần thêm mấy bước, ngắm nghía chàng rất kỹ rồi cười bảo:
– Trời đã phú cho công tử căn cơ rất tốt, đáng gọi là kỳ lân xuất thế.
Nhưng không hiểu có đủ bản lãnh để đại diện cho võ lâm và Vô Cực Tẩu hay chăng?
Vân Long biết họ Tần cực kỳ cao ngạo, liền dùng kế khích tướng, cười nhạt đáp:
– Sư phụ tại hạ vốn tiếc cho Thiên Tôn, vì đại bại mà phải ẩn cư ba mươi năm ròng trên đảo vắng. Chẳng được hưởng lạc thú nhân sinh, nên trước khi vân du, có dặn dò tại hạ nương tay.
Tần Hạo Thiên nghe nhắc đến cái nhục năm xưa, lòng khích động ngửa mặt cười bi phẫn:
– Ta thì ngược lại, chẳng bao giờ biết nương tay. Giết ngươi xong sẽ đi tìm Vô Cực Tẩu để rửa mối hận ba mươi năm trước.
Dứt lời, lão rút kiếm. Thanh bảo kiếm này hình thức cũng giống như kiếm của Đông Đảo, nhưng cả hai cạnh đều sắc bén như nhau. Dưới ánh dương quang, lưỡi kiếm lấp loáng tỏa sát khí mãnh liệt.
Vân Long cũng rút Vô Cực Kiếm, bảo nguyên thủ nhất. Biết họ Tần ỷ mình thân phận cao cả, không bao giờ động thủ trước nên chàng rung kiếm xuất chiêu Thái Cực Vô Song và sử dụng phép khoái kiếm tung ra hàng loạt chiêu thức khác nhau. Thiên Tôn kinh ngạc trước sở học rộng rãi của chàng nhưng vẫn ung dung chiết chiêu phá giải. Lão si mê kiếm thuật chẳng kém gì Kiếm Ma nên rất cao hứng trước một địch thủ như chàng. Hai trăm chiêu đã trôi qua mà chàng dường như chưa hề cạn vốn.
Đường kiếm liên miên bất tuyệt, mấy lần gây khó khăn cho đối thủ. Quần hùng thấy lão bình thản phá chiêu, trên môi còn điểm một nụ cười nên thầm lo cho minh chủ.
Đột nhiên Vân Long biến thế, dùng phép ngự kiếm đánh chiêu Vô Cực Uyên Nguyên. Nhưng Thiên Tôn đã nhiều năm tìm cách giải phá chiêu này nên không hề lúng túng. Lão chưa kịp đắc ý thì chiếc vỏ kiếm đã như ánh sao bay vào ngực. Tay tả Vân Long được rảnh rang liền đẩy ra một đạo chưởng phong mãnh liệt. Trường kiếm của Thiên Tôn bận đối phó với vỏ kiếm nên lão đành phải vung tả chưởng ra đỡ. Kẻ hữu ý, người vô tình nên họ Tần bị kém thế. Tiếng chưởng kình chạm nhau như sấm động. Thiên Tôn bị đẩy lùi một bước, không tin rằng nội lực chàng lại thâm hậu đến thế.
Không để lỡ tiên cơ, chàng đánh liền chiêu Vô Cực Chuyển Luân. Họ Tần động sát khí, vung kiếm xuất chiêu giải phá. Ngờ đâu chàng không chờ hai thanh kiếm chạm nhau đã nhún chân theo thế Nhất Hạc Xung Thiên, từ trên cao dùng chiêu Thiên Long Hàng Ma chụp xuống đầu lão.
Lần này, chàng vận toàn lực nên chưởng kình nặng tựa ngàn cân. Đông Hải Thiên Tôn bao năm nay chú tâm khổ luyện kiếm pháp để báo phục Vô Cực Tẩu nên đối với chưởng pháp có phần coi nhẹ. Giờ đây, gặp phải đối thủ tinh thông cả hai môn kiếm chưởng, công lực lại siêu phàm, thu phát tùy ý, lão đâm ra bối rối.
Họ Tần nghiến răng vung tả chưởng lên đỡ. Một tiếng nổ kinh thiên động địa vang lên, cát bụi bay mù mịt. Vân Long dội ngược trở lên, nhẹ nhàng hạ thân xuống mặt cát, nụ cười thoáng hiện trên môi. Còn Đông Hải Thiên Tôn thì tóc tai rối bù, y phục xốc xếch, đôi chân lún sâu đến tận gối, máu rỉ ra khóe miệng.
Tiếng hoan hô của mấy trăm ngàn hào kiệt làm chấn động vùng biển vắng.
Tần Hạo Thiên căm giận, chỉ mặt chàng gằn giọng:
– Té ra lão Vô Cực Tẩu đả truyền cho ngươi mấy mươi năm công lực để đối phó với ta.
Chàng lạnh lùng lắc đầu:
– Các hạ đừng nói bậy để chữa thẹn. Chính sư phụ còn không biết cuộc phó ước này. Có lẽ do các hạ quá chuyên tâm vào kiếm thuật nên nội công kém cỏi.
Họ Tần bán tín, bán nghi, sượng sùng rung kiếm, xuất tuyệt chiêu đắc ý, quyết giết cho được đối phương. Kiếm ảnh trùng trùng lớp lớp, sát khí dàn dụa đấu trường. Chàng không dám coi thường, vội dùng chiêu Vô Cực Quang Minh chống đỡ. Vân Long đâu ngờ công lực mình đã tăng gấp đôi, kiếm quang tỏa sáng tạo thành một vòng vô cực rực rỡ. Hai thanh kiếm chạm nhau vang rền, song phương dội ra rơi xuống.
Trước ngực chàng là một vết kiếm thương kéo dài từ vai hữu xuống hông tả. Máu rỉ ra đỏ thắm bạch bào, nhưng chỉ là thương tích ngoài da.
Họ Tần không ngờ tuyệt chiêu bao năm khổ luyện vẫn chưa giết chết được đối thủ, lòng thầm kinh hãi. Lão lại tự nhủ, chàng đã dùng kiếm chiêu cuối cùng của Vô Cực Tam Kiếm, coi như đã hết vốn liếng, không cách nào thoát chết được. Lão cười nhạt bảo:
– Ta vẫn còn một chiêu sát thủ tối hậu, nhưng ngươi thì đã sử dụng hết những gì Vô Cực Tẩu dạy cho. Hãy xuống suối vàng mà đợi chờ sư phụ.
Chàng giả đò thất vọng, mi n cưỡng đưa kiếm lên thủ thế. Đây là thức đầu tiên của chiêu Vô Cực Uyên Nguyên, nhưng cũng là tư thế để xuất chiêu Vô Sở Nhi Quy.
Họ Tần rất quen thuộc với Vô Cực Tam Kiếm nên tưởng chàng lại dùng lại chiêu đầu. Lão đắc ý, ra chiêu Vô Cực Tiêu Vong, chỉ nghe cái tên của kiếm chiêu cũng biết tâm địa của lão hẹp hòi, quyết giết cho được Vô Cực Tẩu. Thiên Tôn hao tổn ba mươi năm tâm huyết sáng tạo ra chiêu này, rất tự hào và mãn nguyện.
Lão quát lên một tiếng, thân kiếm hợp nhất, xoay như chong chóng, màn kiếm quang dầy đặc những điểm hàn tinh, kiếm khí chấn động không gian tạo thành những tiếng nổ nhỏ dòn dã. Đến lúc này Vân Long mới chịu động thân, ba trăm sáu mươi thế thức của chiêu Vô Sở Nhi Quy tạo nên một biển kiếm kình bao trùm lấy đường kiếm của Thiên Tôn. Lão lâm vào tình trạng của Dã Mã Mộ Đồ và Thiên Ma Yêu Lão, lưỡi kiếm nặng nề vướng víu, bao nhiêu uy lực tan biến mất. Không ngờ trên đời lại có một chiêu kiếm thần kỳ như vậy, lão kinh hoàng cố tìm cách giải phá.
Không hổ danh là bậc kỳ tài trong kiếm đạo, lão xoay kiếm điểm liền mấy chục thế, cố chặn đứng đường kiếm của đối phương.
Thấy áp lực trên thân kiếm giảm dần, lão cả mừng định lui lại để thoát khỏi tầm khống chế của kiếm chiêu rồi phản công. Nhưng ngờ đâu, Vân Long tự biết chiêu Vô Sở Nhi Quy khó mà hạ được một cao thủ tương đương với Vô Cực Tẩu như họ Tần. Vì vậy, chàng đã vận dụng tâm cơ, giảm bớt dần công lực ở thân kiếm, dồn sang tả thủ. Chờ lúc Thiên Tôn sợ hãi nhảy lui, búng liền một đạo Niêm Hoa Chỉ. Từ đầu trận, chàng không hề phô di n chỉ pháp để tạo thế bất ngờ. Luồng chỉ phong vô hình sắc bén như mũi kiếm xuyên qua ngực phải của Thiên Tôn. Lão đau đớn thét lên, buông kiếm ôm lấy vết thương rồi quỵ xuống, dù sắp chết nhưng cũng cố nói:
– Ngươi luyện được Niêm Hoa Chỉ là điều ta không ngờ đến, ta có chết dưới tay một kỳ tài võ học như ngươi cũng thỏa lòng. Nhưng xin hỏi chiêu kiếm vừa rồi là của ai?
Chàng dịu dàng nói:
– Các hạ có thể yên tâm nhắm mắt vì chiêu thức ấy là của tổ sư Trương Tam Phong phái Võ Đang.
Thiên Tôn gượng cười lắc đầu than:
– Thảo nào ta thua là phải.
Dứt lời, lão lăn ra, hồn lìa khỏi xác.
Ngọc Yến thấy trượng phu chẳng những không chết mà còn toàn thắng nên mừng đến sa lệ, quên cả thẹn thùng, phi thân đến ôm chặt lấy chàng.
Quần hào vui mừng khôn xiết, vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.
Hai tên đệ tử của Thiên Tôn quỳ xuống vuốt mắt sư phụ rồi khiêng xác xuống xuồng con, chèo ra đại thuyền.
Ưng Ma chán nản đến nỗi không còn muốn đào tẩu nữa. Lão bước đến bảo Vân Long:
– Ta xin giao cái mạng già này cho ngươi chém giết. Được chết dưới tay một người như ngươi, vong hồn ta cũng đỡ tủi hổ.
Chàng nhìn mái đầu bạc phơ và ống tay áo lất phất vì gió biển, bất giác sinh lòng thương hại, chàng điềm đạm nói:
– Tiền bối tuổi hạc đã cao, xin hãy tìm nơi phong cảnh xinh đẹp mà di dưỡng tinh thần, đừng quay lại giang hồ tanh máu làm gì.
Ưng Ma sửng sốt, không ngờ chàng độ lượng như vậy. Lão thẫn thờ, ủ rũ bước đi, nhưng đột nhiên quay lại, đến trước mặt phu thê Vân Long hỏi:
– Chẳng hay công tử và phu nhân có thể dành cho ta một chân làm vườn ở quý phủ chăng? Ta đã quá già rồi, lại chẳng còn thân thích, bằng hữu gì cả. Lẽ nào kéo lê kiếp sống thừa trong cảnh tịch mịch?
Giọng lão tha thiết và ánh mắt đầy vẻ van xin. Vân Long xúc động, nắm tay lão nói:
– Nếu tiền bối có nhã ý muốn về chung sống với bọn tiểu bối, xin hoan nghênh.
Quần hào không ngờ một ác ma như lão mà cuối đời lại hồi đầu hướng thiện, họ phấn khởi đến bên chào hỏi. Kiếm Ma vỗ vai lão khen:
– Lão huynh quyết định rất đúng! Chúng ta đem những năm tháng còn lại giúp Tiêu minh chủ giữ cho võ lâm được thanh bình, yên ổn. Lúc rảnh rỗi cùng nhau đánh cờ, câu cá, tiêu dao tuế nguyệt chẳng vui sao?
Ưng Ma cảm động, giọt nước mắt hiếm hoi của tuổi già len lén tràn ra.
Quần hùng trở lại thành, Vân Long mời họ lên cả Hàng Châu đệ nhất tửu lâu để uống chén biệt ly.
Kiếm Ma, Ưng Ma ngồi chung một bàn với hai trưởng lão và phu thê Vân Long. Chàng không hề coi Ưng Ma như bại tướng mà cư xử rất đúng mực. Lão càng cảm phục khí độ quân tử của vị minh chủ tài hoa này.
Sáng hôm sau, quần hào chia tay trở về chốn cũ. Kiếm môn không còn tồn tại nữa, đệ tử trả về cho các phái. Đã từng có những tháng ngày vào sanh ra tử, sẽ chia hoạn nạn nên ai nấy đều bịn rịn, hẹn hò nhau ngày tái ngộ. Một số cao thủ độc hành, không thuộc môn phái nào tình nguyện gia nhập vào đội khôi y võ sĩ của Đào gia trang. Họ muốn được tiếp tục phò tá vị minh chủ trẻ tuổi, người đã đem lại cho đời họ ý nghĩa chân chính của kẻ mang gươm.
Vân Long bảo Độc Cô Thiên dẫn anh em họ Tả và đội võ sĩ về kinh trước. Chàng cùng Ngọc Yến, Kiếm Ma, Ưng Ma ghé vào Bách Cầm Cốc để thăm Bách Cầm Tiên Nương. Chính Ưng Ma đã đề nghị việc này.
Hơn nữa tháng đăng trình mới đến được chân núi Cống Sơn. Tiểu Hồng bay ra chào đón:
– Mời vào! Mời Vào! Ngờ đâu Tiên Nương thấy mặt Ưng Ma liền chỉ mặt mắng rằng:
– Lão cẩu tặc còn dám gặp ta nữa sao?
Ưng Ma hổ thẹn, van xin:
– Sư muội hãy lượng thứ cho ta, bỏ qua chuyện cũ. Giờ đây tuổi ta cũng đã gần chín mươi, sắp xuống suối vàng chịu tội với ân sư. Nàng còn giận làm gì nữa?
Tiên nương nhìn mái tóc thưa thớt, bạc trắng như bông và tấm thân tàn phế, còm cõi của lão, thở dài nói:
– Ngày xưa nếu phụ thân ta không vì việc ngươi trộm mất chân kinh trốn đi thì đâu đến nỗi phát bệnh mà chết. Nhưng thôi, chuyện đã sáu mươi năm rồi, nhắc lại cũng chẳng ích gì.
Bà quay sang chào hỏi Kiếm Ma và phu thê Vân Long.
Ngọc Yến bỗng thì thầm với trượng phu điều gì đó, chàng gật đầu.
Nàng bèn hớn hở nói:
– Tiểu nữ xin kính thỉnh Tiên Nương di giá về Bắc kinh sống cùng phu thê tiểu nữ. Tiên nương tuổi đã cao, sống một mình e không tiện.
Bà rất cảm kích nhưng lại phân vân:
– Ta cũng rất sợ cảnh cô độc lúc cuối đời, nhưng ta ở chốn đế đô, biết an trí lũ linh cầm vào đâu?
Vân Long đỡ lời:
– Tiền bối chớ lo! Sau lưng gia trang của tiểu bối có cả một cánh rừng hàng mấy trăm mẫu. Lũ cầm điêu sẽ sống rất thoải mái và khu rừng cũng trở nên kỳ thú hơn.
Ưng Ma giật mình hỏi:
– Chẳng lẽ minh chủ lại chính là ái tử của Tài thần đó sao?
Chàng kính cẩn đáp:
– Tiểu bối chính là Phạm Vân Long, thiếu chủ Đào gia trang. Xin tiền bối và Tiên Nương giữ bí mật cho! Kiếm Ma gật đầu cảm khái:
– Long nhi tuổi mới đôi mươi, trong vài chục năm tới sẽ là trụ cột chống đỡ tòa nhà võ lâm. Giang hồ hung hiểm, đa đoan khôn lường, phòng xa một chút cũng là điều tốt.
Vừa qua nếu không có hậu thuẩn của Tài thần thì công cuộc giáng ma vệ đạo d gì thành công được. Bọn hiệp khách áo vải chúng ta lấy đâu ra mấy chục vạn lượng vàng mà chi phí cho hàng ngàn hào kiệt trong hơn hai năm chiến đấu.
Ngay trưa hôm đó, Tiên Nương quyết định đưa bầy chim về Bắc kinh.
Hàng vạn cánh chim bay trên đầu, che nắng cho đoàn người ngựa. Họ đến Đào gia trang đã là hai mươi tám tết, chỉ còn hai ngày nữa là sẽ sang năm mới. Lũ linh cầm thích thú đáp xuống khoảnh rừng, đua nhau hót mừng nơi ở mới. Dân chúng xôn xao bàn tán về việc đàn chim lạ kéo về.
Đã mấy năm Vân Long không ở nhà đón xuân nên lần này thấy ái tử về kịp, phu thê Tài thần rất hoan hỉ. Lại có một đàn cầm điểu muôn màu ríu rít trang điểm cho cảnh rừng, khiến Đào gia trang bội phần nhộn nhịp.
Vì có đám thần ưng nên Ngọc Yến phải thu hồi độc vật. Hơn nữa, tiết trời rất lạnh, tuyết rơi đầy, không thích hợp với những sinh vật của xứ Miêu Cương nóng ẩm.
Ưng Ma và Bách Cầm Tiên nương được chủ nhân tiếp đãi nồng hậu nên rất yên tâm ở lại.
Khách lữ hành vào trong tắm gội, thay áo rồi được mời ra khách sảnh dự tiệc tẩy trần. Ba vị thiếu phu nhân Tố Tâm, Phi Hà, Thiên Hương gần đến ngày khai hoa nở nhụy nên chỉ ra chào khách rồi vào ngay.
Vân Long ôm hôn các nàng, hàn huyên, an ủi một hồi lâu mới lên dự yến. Trước đó Xích Long Quái Y Nam Cung Thu đã lạnh lùng gọi Ưng Ma ra vườn hỏi chuyện:
– Hai mươi năm trước, lão góp tay sát hại bào đệ của ta là Nam Cung Phong, sao giờ còn dám vác mặt đến đây?
Ưng Ma bối rối biện bạch:
– Thực ra thì hôm ấy ta chỉ đấu với Lăng Vân Tiên Tử Nam Cung Sương. Năm đó, Ma Diện đã được Yêu Lão cho uống linh dược để tăng cường công lực và truyền dạy xong pho Thiên Ma chưởng pháp. Vì vậy bản lĩnh hắn rất cao thâm, đâu cần ta trợ giúp mới hạ được Bích Nhãn Thần Quân. Nếu sự thực không phải thế, ta nào dám xin làm nô bộc cho ngoại tôn của lão?
Nam Cung Sương từ trong bước ra nói:
– Bá phụ bớt giận, Ưng tiền bối nói không sai đâu.
Quái Y cũng là bậc kỳ nhân, ân oán phân minh nên gật đầu bảo:
– Nếu thế thì không sao, chuyện cũ coi như xong. Nhưng lão có biết hài cốt của bào đệ ta nằm ở đâu không?
Ưng Ma bùi ngùi đáp:
– Ta dù là một đại ma đầu nhưng cũng biết kính phục một bậc anh hùng như Nam Cung Phong. Sau khi Ma Diện đắc thủ bỏ đi, ta lần xuống vực thẳm Ưng Sầu Giản, đem thi thể Bích Nhãn lên chôn cất sau thạch động. Tiết thanh minh này, các ngươi có thể lên đấy mà tảo mộ.
Quái Y cảm động, nắm tay Ưng Ma bảo:
– Ta rất biết ơn lão huynh.
Nam Cung Sương cũng sa lệ, sụp xuống lạy tạ:
– Ơn chôn cất tiên phụ, không để cho người bị thú rừng cắn xé, xương phơi đáy vực, Nam Cung Sương suốt đời tạc dạ.
Ưng Ma lúng túng đỡ bà dậy:
– Phu nhân chớ bận tâm! Mấy năm nay, dù chính tay ta không gây ra sát nghiệp cho võ lâm, nhưng cũng góp phần khơi động phong ba, tội nghiệt chẳng nhỏ. May được Phạm công tử tha mạng còn rộng lượng cưu mang tấm thân tàn phế, già nua này, chút công đào đất, đắp mồ cho Bích Nhãn ta nào dám nhận.
Quái Y xua tay bảo:
– Chuyện đời như phong vân biến ảo, biết việc gì nên làm thì cứ làm.
Lão huynh và Sương nhi hãy vào trong kẻo mọi người mong đợi.
Dứt lời, lão nắm áo lôi Ưng Ma đi. Quả nhiên, bàn tiệc đã đông đủ, chỉ còn chờ họ là nâng chén. Tài thần hân hoan vòng tay nói:
– Nay tai kiếp giang hồ đã qua. Võ lâm đã thanh bình, ân oán cũng trả xong, chúng ta cùng cạn chén chúc mừng.
Ngọc Yến nhớ đến đàn chim liền bảo thị tỳ xuống bếp lấy thịt sống và ngũ cốc đem ra ngoài rừng.
Nam Cung Sương nói nhỏ với Tài thần. Ánh mắt ông lộ vẻ xúc động.
Phi Vân đứng dậy vái Ưng Ma ba vái rồi thưa:
– Qua năm mới, nhân dịp tiết thanh minh, xin tiền bối chỉ giáo nơi chôn cất hài cốt cố nhạc phụ, để bọn tiểu bối đến thắp hương và cải táng về Bắc kinh.
Kiếm Ma sửng sốt:
– Ta tưởng thân xác Thần Quân đã tiêu trầm mai một dưới vực sâu ngàn trượng Ưng Sầu Giản, sao lại còn có mộ phần?
Nam Cung Sương kính cẩn thưa:
– Chính Ưng tiền bối đã khai ân, xuống vực đem di hài của tiên phụ lên an táng chu đáo.
Mọi người giật mình kinh ngạc. Kiếm Ma bật cười, dơ ngón cái lên khen:
– Trong đời Ưng Ma Thái Tuấn cũng có lần làm việc nghĩa, quả không ngờ! Vân Long, Ngọc Yến xúc động rời ghế, quỳ xuống lạy ba lạy:
– Bọn tiểu bối đội ân Thái tiền bối đã chiếu cố cho ngoại tổ.
Ưng Ma ngượng ngùng khoát tay:
– Đời ta tội lỗi đã nhiều, có làm bao nhiêu điều tốt cũng không bù lại.
Kiếm Ma cười xòa nói:
– Thôi được rồi, phật môn có câu hồi đầu thị ngạn. Hãy cùng uống mừng việc tìm được di cốt Thần Quân.
Rượu được vài tuần, Vân Long thưa với song thân:
– Ra giêng, xin song thân tổ chức hôn lễ cho ba nghĩa đệ của Long nhi.
Tài thần vốn coi bọn chúng như con mình nên phấn khởi bảo:
– Ta đã biết chuyện huynh đệ họ Tả, nhưng còn Thiên nhi thì sao?
Chàng cười đáp:
– Ý trung nhân của nhị đệ chính là Lan Châu U Cơ Bạch Di m Vi.
Phạm Tài Thần bất ngờ nhưng hài lòng vuốt râu gật gù:
– Thật là xứng đôi! Ta sẽ tặng tòa Kim Lăng đại tửu lâu cho Bạch nương làm của hồi môn.
Cơ ngơi ấy trị giá mười mấy vạn lượng bạc, sanh ý thịnh vượng, mỗi năm thu hàng vạn lượng. Vậy mà Tài thần không hề do dự, chứng tỏ ông rất quý mến Độc Cô Thiên.
Thiên Lý Độc Hành bối rối thưa:
– Đội ân bá phụ đã có lòng thương. Nhưng tiểu điệt xin được ở đây để hầu hạ dưới gối.
Nam Cung Sương dịu dàng ngắt lời:
– Chuyện đó sau sẽ tính. Trước mắt phải cử ngay người xuống thay thế Bạch cô nương để còn kịp hôn lễ.
Tả Phi, Tả Kiếm nghe nói sắp được vợ, mừng đến nỗi chẳng thiết gì ăn uống nữa. Chỉ thấp thỏm chạy vào hậu viện thông tri với hai Miêu nữ.
*
Thánh thượng và hoàng hậu giá lâm, quần thần nhất tề quỳ xuống nghinh tiếp. Minh đế hớn hở phán:
– Tiêu hầu lần này lại lập được kỳ công. Trẩm rất hoan hỉ. Khanh mau tấu trình sự việc.
Vân Long tuần tự khởi tấu. Đến đoạn tuần phủ Chiết Giang là Khuất Chi tư thông với cường đạo ngoại bang, Minh Thành Tổ động nộ vỗ long án hỏi:
– Tên cẩu quan Khuất Chi này do ai tiến cử mà được làm tuần phủ Chiết Giang?
Khuất thượng thư run rẩy bước ra quỳ trước bệ rồng tấu:
– Khởi tấu thánh thượng, lão thần có mắt như mù nên đã nhìn lầm người. Xin cửu trùng khai ân lượng xét.
Minh đế long nhan lạnh lẽo như băng hỏi tiếp:
– Khanh và tên Khuất Chi có quan hệ như thế nào?
Lão thượng thư sợ hãi bẩm:
– Muôn tâu! Y là nghĩa tử của lão thần.
Cửu trùng cười nhạt bảo:
– Té ra là thế, hèn chi khanh chẳng nhìn lầm. Trẫm xét thấy khanh một đời cúc cung tận tụy vì triều đình nên không nỡ bắt tội. Nhưng ở cương vị của khanh mà mắt lại mù, không phân biệt được trung nịnh thì nên cáo lão từ quan đi. Còn Khuất Chi và nàng tiểu thiếp trẫm truyền đem ra giữa chợ thành Hàng Châu chém đầu.
Họ Khuất quỳ xuống lạy tạ hồng ân rồi cởi áo mão dâng lên, cáo biệt chư quan, rời khỏi sân chầu.
Minh đế thở dài, nhìn bộ áo mão trên long án, hỏi bá quan:
– Theo ý các khanh thì trong triều ai là người đủ tài đức để giữ chức lại bộ thượng thư?
Hổ Uy Hầu lập tức tấu rằng:
– Muôn tâu! Theo thiển ý của hạ thần, trọng trách này nên giao cho một người cương trực, thẳng thắn và có nhãn quang sắc bén. Thần xin tiến cử Ngự Sử Đài Tưởng Minh Luân.
Hoàng thượng hài lòng nhưng vẫn hỏi ý bá quan:
– Chư khanh có cùng một ý với tiêu hầu hay không?
Quần thần ai cũng giỏi nghề quan sát sắc diện long nhan để dò thánh ý, nên tự biết thân phận, đồng thanh nói:
– Chúng thần tán thành cao kiến của Tiêu hầu.
Minh đế tươi cười phán truyền:
– Chư khanh đã đồng lòng, trẫm cũng chuẩn tấu, phong cho Tưởng Minh Luân chức lại bộ thượng thư.
Họ Tưởng là người có nhân phẩm và tài trí cực cao, nhưng lâu nay, trong cương vị Ngự Sử Đài, chỉ là một vị đại thần không có thực quyền, danh vọng cũng chẳng lớn. Nay được giao trọng trách xét duyệt, đề cử và thẩm tra quan lại trong cả nước mới đúng là chỗ dụng võ của ông. Tưởng Ngự Sử không phải là người tham vinh hoa, phú quý, chỉ một dạ muốn phục vụ giang sơn. Không ngờ Hổ Uy Hầu đáng mặt tri kỷ, hết lòng tiến cử để ông được thỏa chí bình sinh.
Tưởng Minh Luân chậm rãi bước ra quỳ xuống tâu:
– Thánh thượng vạn tuế! Hạ thần tuân chỉ.
Vương thừa tướng nhận lấy áo mão trong tay Dương công công, trao cho họ Tưởng rồi dặn dò:
– Mong rằng Tưởng thượng thư sẽ không phụ lòng ký thác của thánh thượng và bá quan.
Họ Tưởng cảm tạ lui về, đứng vào chỗ của Khuất Châu. Quần thần xúm lại chúc mừng.
Không thấy ai dâng biểư gì nữa, Minh Thành Tổ cho bãi triều. Ngài truyền Tiêu hầu theo ra Ngự hoa viên uống rượu thưởng mai.
Xuân đã về nên muôn hoa đua nở rực rỡ, nhất là hoa mai. Dù tuyết rơi nhiều nhưng vẫn không che hết được những cành hoa vàng đang khoe sắc. Tô Mỹ Nhân co ro trong áo ngự hàn mà còn nghe lạnh. Uống được vào chung ngự tửu, nàng nghe mí mắt mình nặng trĩu nên hồi cung trước.
Còn lại hai vua tôi đối ẩm rất tương đắc. Bỗng Tiêu hầu vòng tay tấu rằng:
– Khởi tâu thánh thượng! Nay quần ma loạn đảng đã diệt xong, hạ thần không cần phải giấu giếm lai lịch nữa. Xin đê đầu mong cửu trùng xá tội khi quân. Hạ thần đích thực là Phạm Vân Long, nam tử Tài thần Phạm Phi Vân. Vì tình thế bắt buộc, muốn tránh liên lụy cho song thân nên phải đổi danh, cải tánh.
Hoàng thượng vô cùng kinh ngạc nhưng cười xòa phán:
– Khanh hãy bình thân. Trong ngày đại hỉ của khanh, khi gặp Tài thần ta đã nhận ra khí chất của hai ngươi rất tương đồng. Nhưng không thể ngờ rằng khanh đã bái phụ thân làm can gia nên chẳng đoán ra nội tình.
Khanh vì an nguy của phụ mẫu ta đâu nở cáo việc này trước triều đình để tông môn họ Phạm được vinh hiển.
Vân Long an tọa rồi mỉm cười thưa:
– Muôn tâu! Hạ thần vì không muốn dối vua nên tấu trình sự thực, chứ không phải vì chuyện rạng rỡ tông môn. Cúi xin thánh thượng giữ bí mật này và vẫn coi tại hạ là một Tiêu Long Vân. Giang hồ là chốn lắm phong ba, chẳng bao giờ ổn định được lâu dài.
Minh đế suy nghĩ một lúc rồi chuẩn tấu:
– Thôi được! Ý khanh đã vậy trẫm cũng chìu theo. Thật hiếm có người nào coi trọng nghĩa vụ đối với nhân sinh mà lại nhạt đường danh lợi như khanh.
Thêm vài tuần rượu nữa, thấy kim thượng đã ngà say, chàng xin cáo biệt trở về Hầu phủ.
Tối đến, Vân Long lại vào cung bái kiến Minh đế ở ngự thư phòng. Ngài mừng rỡ phán:
– Sao khanh biết trẫm đang cần người cùng uống chén ngự hàn mà đến vậy?
Chàng cười đáp:
– Thần đâu có tài cán gì mà đoán được thánh ý, chỉ vì có đại sự cơ mật nên mới đến giờ này.
Hai vua tôi cùng uống vài chung chống rét. Hoàng thượng liền hỏi:
– Chẳng hay chuyện cơ mật gì mà sáng nay khanh không dám tấu trình?
Tiêu hầu hạ giọng:
– Muôn tâu, tội của Tô thái sư, thánh thượng định xử trí thế nào?
Minh đế trầm ngâm rất lâu rồi thở dài nói:
– Quốc trượng giờ đã từ quan, không còn nắm giữ binh quyền, bao nhiêu vây cánh đều bị khanh và ta triệt hạ, chẳng khác gì cua gãy càng nằm chờ chết. Nhưng Tô nương nương với ta tình thâm nghĩa trọng, nếu bắt tội họ Tô e nàng phải thương tâm. Hơn nữa, xã tắc đang yên lành, thịnh trị, việc phản nghịch của thái sư sẽ làm chấn động nhân tâm, tổn thương quốc thể. Vì vậy, trẫm định bỏ quá cho quốc trượng. Mong khanh thấu hiểu giùm ta.
Tiêu hầu mừng rỡ tấu rằng:
– Thánh thượng anh minh, nhân từ, biết coi trọng đại cuộc giang sơn hơn ân oán riêng tư. Hạ thần hết lòng khâm phục.
Minh đế thấy sủng thần cũng một ý với mình, ngài hoan hỉ nói:
– Làm bề tôi mà thấu hiểu được nỗi khổ tâm của quân vương chỉ có mình khanh thôi. Đáng tiếc là khanh không có chí làm quan, nếu không ghế thái sư kia sáng mai sẽ là của khanh.
Tiêu hầu cúi đầu tạ thánh ân nhưng không nhận. Chàng hầu chuyện một hồi lâu rồi cáo lui.
*
Ngọc Yến thảng thốt kêu lên:
– Tướng công! Nữ lang này chính là Sương Mỵ Phương Tử.
Họ nhảy xuống ngựa bước lại gần. Nữ nhân lặng lẽ đứng lên cúi mình thi lễ. Thanh trường kiếm tùy thân đã không còn. Nhìn hình hài tiều tụy của Sương Mỵ, Ngọc Yến xúc động nắm tay nàng hỏi dồn:
– Sao cô nương lại có mặt ở đây và lâm vào tình cảnh này?
Vân Long khẻ trách nương tử:
– Yến muội khoan hãy hỏi han. Sương Mỵ cô nương là khách, chúng ta phải mời vào phủ trước đã.
Ngọc Yến cười khúc khích nói:
– Vậy, kính thỉnh cô nương vào tệ xá! Nói xong, chẳng cần biết Sương Mỵ có đồng ý hay không, nàng kéo khách vào thẳng hậu sảnh. Biết bản chất nữ nhân, dù thuộc chủng tộc nào cũng coi trọng nhan sắc và vẻ đẹp bên ngoài, Ngọc Yến bắt Sương Mỵ phải tắm gội, chải tóc và thay áo mới. Thiếu phu nhân của Đào gia trang có hàng chục bộ y phục chưa bao giờ mặc đến. Nữ lang Đông Đảo không hề phản đối, lặng im tuân theo sự sắp xếp của nữ chủ nhân. Đến cuối giờ ngọ, hai nàng mới xuất hiện. Trong trang phục Trung hoa, Sương Mỵ có vẻ kiều di m hơn.
Vân Long đang ngồi bên bàn ăn chờ đợi, thấy họ vội đứng lên:
– Kính thỉnh cô nương an tọa và dùng bữa với phu thê tại hạ.
Trong bữa ăn, chẳng ai hỏi han gì. Ngọc Yến chăm chút gắp thức ăn bỏ vào chén khách. Sương Mỵ ăn rất từ tốn, nhỏ nhẹ và không từ chối những chung rượu mà chủ nhân đã rót cho.
Ba người ăn xong, cùng ngồi dùng trà. Ngọc Yến biết ý trượng phu muốn mình trò chuyện, nên tươi cười nói với Sương Mỵ:
– Tuổi ta chắc là lớn hơn, ta gọi nàng bằng Sương muội có được không?
Hai hàng lệ trào ra từ đôi mắt đẹp, nàng gục đầu vào vai Ngọc Yến mà thổn thức. Lát sau, Sương Mỵ cố nén cơn xúc động, rời ghế sụp xuống chắp tay lạy theo nghi lễ của người Đông Doanh rồi nói:
– Tiểu nữ xin công tử và phu nhân khai ân nhận kẻ bạc mệnh này làm nô bộc. Nếu không được, tiểu nữ cũng xin lạy tạ rồi bỏ đi ngay.
Ngọc Yến bối rối nhìn Vân Long. Chàng nhận thức được vẻ kiên quyết trong giọng nói, ánh mắt của nữ nhân kỳ lạ này nên gật đầu.
Ngọc Yến bước đến đỡ Sương Mỵ lên và bảo:
– Thôi được, nếu Sương muội đã quyết chí, chúng ta xin nhận lời.
Nhưng trong lòng không nên quá phân biệt chủ bộc, mà coi như chị em thì hay hơn.
Sương Mỵ kính cẩn đứng hầu, không chịu ngồi xuống ghế. Nàng nhỏ nhẹ nói:
– Dù ở Trung Hoa hay Đông Đảo, nô tỳ cũng không được ngồi ngang hàng với chủ nhân.
Ngọc Yến chẳng còn cách nào khác đành phải an tọa rồi bảo:
– Sương muội hãy tuần tự thuật lại tao ngộ của muội và Mộ Đồ, từ sau ngày gặp nhau ở Sơn Đông?
Sương Mỵ cúi đầu nhận mệnh rồi mới kể:
– Hôm ấy, nô tỳ và Dã Mã Mộ Đồ sư huynh lên xuống nhỏ, chèo đến một thuyền buôn quen biết để trở lại Đông Doanh. Không ngờ lúc lên đại thuyền, lại được tin thân phụ của sư huynh là Trung Giang Dã Mã Mộ Đồ đã sát hại phụ thân của nô tỳ là Âu Sĩ Lạc để cướp quyền lãnh chúa. Vì Trung Giang vốn là thuộc hạ của tiên phụ, nên hành vi phản phúc ấy là một điều đại sĩ nhục cho người võ sĩ đạo. Sư huynh vốn tên là Hùng Trạch Dã Mã Mộ Đồ, hổ thẹn với nô tỳ nên đã rút gươm ngắn rạch bụng, tự sát theo đúng truyền thống. Trước khi chết người dặn nô tỳ chẳng nên về đảo Kỷ Âu Tố nữa mà hãy ở lại Trung Hoa, tìm Tiêu công tử để nương tựa.
Nô tỳ đã gom góp tiền bạc và bán cả thanh trường kiếm làm lộ phí tìm đến đây. Quả nhiên sư huynh không nhìn lầm người, nhị vị chẳng hề nhớ đến thù hận cũ còn đối xử tử tế. Cho nên nô tỳ quyết định ở lại xin làm nô bộc.
Vân Long thở dài tiếc cho một bậc anh hào như Hùng Trạch. Chàng hỏi thêm:
– Sao ta không nghe nàng nhắc đến Song Thần?
Sương Mỵ buồn rầu đáp:
– Nhị vị sư phụ vì nóng lòng muốn giúp cho sư huynh rửa hận, nên đã truyền mấy chục năm công lực rồi bỏ lên núi Phú Sĩ mai danh ẩn tích.
Ngọc Yến ngậm ngùi bảo:
– Tiết thanh minh này chúng ta sẽ cùng đi tảo mộ Hùng Trạch.
Sương Mỵ đau đớn thưa rằng:
– Sư huynh đã dặn chủ thuyền dem xác chàng thả xuống vùng biển Đông Đảo.
Từ đó, Sương Mỵ trở thành nữ tỳ tâm phúc trong Hầu phủ. Nàng cực kỳ chăm chỉ và lễ độ. Bốn vị phu nhân đều coi nàng như em gái, chẳng hề có ý khinh khi.
Đêm rằm tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ mười ba, Tố Tâm lâm bồn sinh ra một bé gái xinh đẹp. Ba ngày sau, Phi Hà và Thiên Hương cũng khai hoa nở nhụy, hai công nương nữa lại ra đời. Ngọc Yến vốn quen chăm sóc sản phụ người Miêu nên rất thành thạo. Biết các em buồn rầu vì không sanh được nam tử, nàng an ủi rằng tuổi họ còn trẻ, còn nhiều cơ hội. Hơn nữa, phu thê Tài thần và Vân Long đều vui vẻ, nâng niu ba nữ hài nhi nên các nàng dâu cũng đỡ tủi thân.
Một hôm, Sương Mỵ hỏi mượn văn phòng tứ bảo rồi vào phòng riêng cặm cụi viết vẽ gì đó. Mấy ngày sau, nàng đem một xấp giấy đã khâu thành tập đến dâng cho Ngọc Yến:
– Thưa phu nhân, đây là cuốn xuân đồ mà nữ nhi Đông Doanh nào cũng có. Trong này dạy bí quyết để làm hài lòng trượng phu và sinh được quý tử.
Ngọc Yến mở ra xem, thấy có bảy mươi hai bức họa nam nữ ân ái và những hàng chữ chỉ dẫn cặn kẽ. Dù vẽ bằng giấy trắng mực đen mà vô cùng sinh động. Mặt nàng đỏ hồng vì thẹn thùng. Nhưng thấy ánh mắt và thần sắc của Sương Mỵ trong sáng, tự nhiên, nàng tự nhủ thầm rằng tập tục mỗi nơi mỗi khác. Bản thân Ngọc Yến cũng đang âm thầm lo lắng vì tuổi đã lớn mà chưa thụ thai. Nay được xuân đồ quyết thử xem kết quả thế nào. Nàng kéo Sương Mỵ ngồi xuống cạnh giường với mình rồi hỏi:
– Sương muội đã có ý trung nhân chưa?
– Thưa phu nhân, nô tỳ chưa hề thương ai. Ờ cương vị tiểu thư của một lãnh chúa rất khó kén trượng phu. Ngay cả Hùng Trạch sư huynh cũng không đủ tư cách để cầu hôn.
Ba nàng kia vì mới sinh nở nên ở bên Đào gia trang. Chỉ mình Ngọc Yến kề cận Vân Long trong Hầu phủ. Đêm ấy, nàng thú nhận nỗi ưu tư của mình rồi đưa cho trượng phu xem cuốn xuân đồ. Chàng tấm tắc khen ngợi nét vẽ thần kỳ của Sương Mỵ. Hai người thử áp dụng mấy trang đầu, họ cảm thấy hạnh phúc cùng cực, hơn hẳn lúc bình thường.
Thời gian thấm thoát trôi, rồi Ngọc Yến cũng thụ thai. Vân Long vô cùng mãn ý.
Trong thời gian ấy, ngày nào Vân Long cùng Ngọc Yến cũng sang Đào gia trang chăm sóc, vui đùa với ba bà mẹ trẻ và nữ hài nhi cho đến tận nữa đêm mới lui gót. Khi có cô bé nào ấm đầu, sổ mũi, nàng thức suốt đêm để canh chừng, chia sẽ nhọc nhằn với các em.
Nam Cung Sương thấy con dâu lớn cư xử như vậy rất đẹp lòng. Bà là người tinh tế nên nhận ra thái độ cung kính và thân thiết của nàng đối với Kiếm Ma. Một hôm, không dằn được tính hiếu kỳ, bà gọi Ngọc Yến vào phòng riêng gạn hỏi:
– Yến nhi, ta rất ngạc nhiên khi thấy con coi trọng Công Tôn tiền bối không kém gì ta và lão nhân gia. Chắc phải có nguyên nhân chứ?
Nàng biết mẹ chồng mình là bậc kỳ nữ nên không dám giấu:
– Bẩm A Nương, mạng sống của thiếu gia chính do Công Tôn tiền bối ban cho. Người đã âm thầm truyền cho chàng một nửa tu vi của mình.
Nhờ vậy thiếu gia mới bảo tồn được sinh mạng và thắng được Đông Hải Thiên Tôn.
Nam Cung Sương chẳng ngờ Kiếm Ma lại là đại ân nhân của gia đình mình. Bà xúc động bảo:
– Long nhi có biết nội tình hay không?
Ngọc Yến bối rối thưa:
– Vì Công Tôn tiền bối đã dặn dò nên tức nữ không dám thổ lộ với thiếu gia.
Sắc mặt Nam Cung Sương nghiêm lại, đôi mắt bà thấp thoáng ánh xanh:
– Đạo làm người, oán có thể quên, nhưng ân chẳng thể không báo đáp.
Yến nhi nỡ để Vân Long làm kẻ bất nghĩa hay sao?
Ngọc Yến run sợ nói:
– Tức nữ biết tội, xin A Nương dạy bảo.
Phạm phu nhân thấy con dâu quá sợ hãi, bà dịu giọng bảo:
– Tối nay con phải cho Long nhi biết sự thực. Trong bữa điểm tâm sáng mai, các ngươi dập đầu gọi Công Tôn tiền bối là can gia, suốt đời hầu hạ, phụng dưỡng chu đáo.
Đêm đến, Ngọc Yến lặng lẽ thay áo cho trượng phu rồi quỳ xuống:
– Tướng công! Tiện thiếp lâu nay vẫn giấu kín một việc, xin chàng lượng thứ! Vân Long ngỡ ngàng, biết ngay chuyện này không nhỏ. Chàng đỡ ái thê lên an úy:
– Nương tử bình tâm nói cho ta nghe.
Ngọc Yến thỏ thẻ nỏi:
– Tướng công có biết vì sao mình đả bại Tần Hạo Thiên chăng?
Chàng đăm chiêu giây lát rồi đáp:
– Hôm ấy, ta cảm thấy công lực của mình đột nhiên tăng tiến bội phần.
Trong lòng vẫn thắc mắc không hiểu nguyên do.
Ngọc Yến ngậm ngùi nói:
– Chỉ vì muốn giữ cho chàng được sống sót, Công Tôn tiền bối đã hy sinh truyền tặng bốn mươi năm công lực.
Vân Long sửng sờ, nghe mũi mình nóng lên. Cũng y như Nam Cung Sương, chàng cảm thấy mình là người bất nghĩa, muốn buông lời trách móc ái thê. Nhưng nghĩ lại, chàng dịu dàng bảo:
– Giờ đây ta mới hiểu vì sao, kể từ sau trận ấy, Yến muội cư xử với Công Tôn tiền bối cực kỳ kính cẩn, sớm hôm thăm hỏi, chẳng khác gì phụ mẫu.
Ta phải cảm tạ nàng đã âm thầm thay ta báo ân mới phải.
Chàng âu yếm xiết chặt nương tử vào lòng rồi tư lự hỏi:
– Theo ý nàng, chính ta phải làm gì?
Ngọc Yến thì thầm:
– A Nương đã biết và người dạy chúng ta phải bái Công Tôn tiền bối làm nghĩa phụ.
Chàng gật đầu tán thành ý kiến của mẫu thân.
Sáng hôm sau, hai người sang Đào gia trang thật sớm. Ngọc Yến vào khuê phòng với ba em kể rõ sự tình. Họ vô cùng cảm kích, mau chóng thay áo mới ra ngay.
Mọi người an tọa xong, Phạm Phi Vân trịnh trọng đứng lên hướng về phía Kiếm Ma kính cẩn vái một vái rồi nói:
– Công Tôn tiền bối là bậc đại kỳ nhân trong thiên hạ, Phi Vân muốn cho Long nhi được lạy người làm nghĩa phụ, suốt đời hầu hạ. Xin tiền bối nhận cho.
Ông vừa dứt lời, Vân Long và bốn vị phu nhân sụp xuống lạy đủ chín lạy. Chàng cung kính thưa rằng:
– Nghĩa tử Vân Long và thê nhi xin khấu đầu ra mắt can gia.
Kiếm Ma hiểu ngay rằng phu thê Tài thần đã biết chuyện ông giúp Vân Long. Công Tôn Sửu vô cùng cao hứng, được một nghĩa tử như Vân Long thì còn gì quý hơn nữa. Ông cười ha hả, bước đến đỡ bọn chàng lên rồi nói:
– Can gia vì quá bất ngờ nên chẳng có gì để làm quà cho các con.
Tài thần vuốt râu cười bảo:
– Đại ca đã cho chúng quá nhiều rồi còn gì?
Ba gã nghĩa đệ của Vân Long theo lễ cũng phải gọi ông bằng nghĩa phụ.
Dù là bữa điểm tâm nhưng ai cũng nâng chén chúc mừng Kiếm Ma.
Xích Long Quái Y càu nhàu:
– Thằng bé này thật là rắc rối, hết gọi lão râu dài họ Hạ bằng đại ca, giờ lại tôn Kiếm Ma lão huynh làm can gia. Ta biết đường nào mà xưng hô.
Công Tôn Sửu cười khanh khách đáp:
– Dù có gọi thế nào đi nữa ta cũng không chịu gọi Nam Cung lão đệ bằng bá phụ đâu nhé.
Cả bàn vui vẻ cười vang:
*
Đám cưới Độc Cô Thiên và huynh đệ họ Tả dù không thể so sánh với đại ca nhưng cũng rất tưng bừng, nhiệt náo. Hơn ngàn hào kiệt khắp nơi đổ về tham dự. Cổ đại nương được mời ở lại Bắc kinh để hai nàng dâu hầu hạ.
Độc Cô Thiên và Bạch Di m Vi không chịu về Nam kinh, mà xin được tiếp tục phò tá Vân Long.
Bầy linh cầm đã biến khu rừng sau Đào gia trang thành nơi nổi tiếng nhất đế đô. Những nhà đại phú, quyền quý trong thành đều khao khát có được, dù chỉ một con. Bách Cầm Tiên Nương đã ra sức sửa sang cánh rừng, trồng rất nhiều loài hoa đẹp nên phong cảnh nơi đây ngày càng kỳ tú. Chính Minh đế và Tô Nương Nương còn phải than rằng Ngự Hoa Viên chỉ là một mảnh vườn cằn cỗi nhỏ nhoi.
Tiêu hầu vẫn thường nói rằng:
– Đạo quân tử không nên thích cảnh cá chậu chim lồng.
Vì vậy, bá quan chẳng một ai dám hỏi xin.
Một hôm, sau buổi chầu, Minh đế rủ chàng ra Ngự Hoa Viên uống rượu. Tô Mỹ Nhân tủm tỉm cười phán rằng:
– Ta đến phát ghen với Tiêu khanh, bầy linh cầm xinh đẹp kia làm ta thích thú vô cùng. Giá như khanh có thể sai khiến chúng đến đây ở vài ngày thì ta sẽ rất biết ơn.
Tiêu hầu điềm nhiên tấu:
– Khởi tấu nương nương, bầy chim này đông đến hàng vạn con, nếu đến đây lâu sẽ làm ô uế thượng uyển và cấm cung. Nhưng bất cứ lúc nào nương nương muốn thưởng lãm, chúng sẽ lập tức có mặt, sau đó chúng sẽ trở về tổ khi người ra lệnh.
Minh đế và Tô Mỹ Nhân rất đẹp dạ:
– Nếu tự ta có thể sai khiến bầy linh điểu như khanh nói thì còn gì bằng.
Tiêu hầu rút ra một chiếc còi trúc đưa lên miệng thổi mạnh. Thần ưng Tiểu Bạch đang lượn trên cao lập tức sà xuống. Nhìn con miêu ưng dũng mãnh, oai vệ, hoàng thượng vô cùng cao hứng. Tiêu hầu nói với thần điêu:
– Tiểu Bạch, từ nay ngươi sẽ túc trực ở đây. Chịu sự dạy bảo của hai người này. Khi họ ra lệnh, ngươi phải về rừng dắt bầy chim đến.
Miêu ưng gục gặc đầu. Tô Mỹ Nhân háo hức muốn thử ngay, nàng bước đến vuốt ve nó rồi bảo:
– Tiểu Bạch, ngươi hãy dẫn bầy chim lại đây.
Thần ưng gật đầu rồi vỗ cánh bay đi. Chưa tàn một nén nhang, hàng vạn cánh chim che rợp cả bầu trời cấm thành rồi đáp xuống. Tiếng hót của chúng vang động hoàng cung. Đám cung nữ và thái giám đổ xô ra xem, trầm trồ khen ngợi. Khi đã chiêm ngưỡng mãn nhãn, Tô nương nương bảo Tiểu Bạch dẫn chúng trở về. Bầy chim bay đi, để lại những đốm phân trắng trên mái ngói lưu ly và cây cối trong ngự hoa viên. Mùi hôi của lông chim còn phảng phất đâu đây. Hàng trăm cung nữ liền ra tay dọn dẹp, đến tận chiều tối mới xong.
Vân Long về đến Đào gia trang vừa kịp bữa cơm trưa. Ăn xong, cả nhà đang uống trà thì Hạ Khánh Dương và Nhất Độ đại sư bước vào, thần sắc rầu rĩ như đưa đám. Hỏi ra mới biết Hoàng Giáo của Tây Tạng đã công khai xâm nhập vào Trung thổ, tấn công chùa chiền ở các tỉnh Tây Khương, Thanh Hải, Cam Túc. Họ bắt giữ hàng trăm tăng lữ người Hán, vốn xuất thân từ Thiếu Lâm Tự, trong đó có một lão tăng là bào đệ của Không Hư thần tăng. Giáo chủ Hoàng Giáo, Đại lai Hoạt Phật đã gửi tối hậu thư đòi Nhất Tâm phương trượng phải đích thân đem bí kíp của bảy mươi hai tuyệt kỹ Thiếu Lâm đến Thanh Hải đổi lấy người.
Tài thần nghe xong buồn rầu than rằng:
– Chẳng biết đến bao giờ họ Phạm mới có được người thừa tự đây?